Vietnamese    English    
  Trang chủ Giới thiệu Dịch vụ Thành viên Đối tác Tuyển dụng Liên hệ Hỏi & Đáp
Trang chủ Tin tức
Fitch nhìn lại ngành ngân hàng Việt Nam năm 2009 và dự báo cho năm 2010 (15/3/2010)
Fitch nhìn lại ngành ngân hàng Việt Nam năm 2009 và dự báo cho năm 2010 Theo Fitch, các ngân hàng Việt Nam thời gian tới có triển vọng tăng trưởng cao nhưng đi kèm là thách thức kiểm soát chất lượng tài sản

Fitch Ratings là một trong ba tổ chức giám định tài chính có uy tín trên thế giới, chuyên đưa ra những hệ số tín nhiệm hoặc giám định năng lực tiền tệ của những công ty, những chính phủ để đánh giá cũng như xếp hạng năng lực tài chính của đối tượng được giám định.

Trong báo cáo mới nhất có tên “Outlook on Vietnamese Banks - Another year of high growth adds to concern.”, Fitch phân tích và nhận xét về tăng trưởng tín dụng và tình hình ngành ngân hàng Việt Nam năm 2009 đồng thời đưa ra dự báo về triển vọng năm 2010.


Tổng quan ngân hàng Việt Nam năm 2009

Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2009 duy trì ở mức tốt bởi tăng trưởng tín dụng cao và dự phòng thua lỗ các khoản vay thấp. Tỉ suất thu hồi trên bình quân tài sản (ROAA) của 6 ngân hàng lớn nhất theo tính toán của Fitch trong 9 tháng đầu năm 2009 lên mức 1,9% (tính theo trung bình năm). Tỉ suất này năm 2008 là 1,5%.

Tuy nhiên, trong năm 2009, tăng trưởng tài sản các ngân hàng tụt lại so với tăng trưởng các khoản vay bởi các ngân hàng Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng tín dụng. Thay đổi này mang yếu tố hỗ trợ đối với một số tỉ suất quan trọng như ROAA và tỉ lệ vốn hữu hình/tổng tài sản (tangible equity/assets), thế nhưng cũng khiến rủi ro tín dụng tăng cao.

Chênh lệch giữa cho vay/vốn huy động trung bình đối với đồng nội tệ dành cho doanh nghiệp giảm 220 điểm cơ bản trong năm 2009 bởi lãi suất cơ bản liên tục được giảm xuống, chính phủ áp dụng trần lãi suất đối với các khoản vay và cạnh tranh cấp vốn.

Tăng trưởng tín dụng năm 2009 là 38%, tín dụng tại các ngân hàng tư nhân tăng trưởng mạnh trong chương trình kích cầu kinh tế của chính phủ. Khả năng huy động vốn của các ngân hàng vẫn vững nhưng tăng trưởng tiền gửi 27% của năm 2009 không theo kịp tăng trưởng tín dụng.


Một số lo ngại

Fitch tin rằng cách phân loại các khoản vay và dự phòng của Việt Nam không thể khắt khe như theo quy định của chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Fitch cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ đương đầu với nhiều khó khăn liên quan đến chất lượng tài sản và vốn, tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến chất lượng các khoản vay đi xuống, các quy định thường lỏng lẻo hơn khi ngân hàng mở rộng quá nhanh.

Chất lượng khách hàng vay vốn (borrower quality) có thể đi xuống một khi chương trình kích cầu được rút đi, lãi suất cơ bản tăng hay đồng nội tệ giảm giá.

Theo quan điểm của Fitch, những tổ chức ngân hàng lớn phụ thuộc vào nguồn tiền được bơm thêm vào, dù mức độ phụ thuộc có khác nhau. Ví như Ngân hàng Nông nghiệp, tỷ lệ an toàn vốn (CAR-capital adequacy ratio) vẫn ở dưới mức 8% theo quy định năm 2009. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng chịu nhiều áp lực về vốn trong năm 2009 dù vậy tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vẫn ở mức hợp lý và cao hơn so với nhóm ngân hàng nhà nước.

Tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại cổ phần ở mức cao.

Năm 2009, tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam tăng trưởng nóng, mức tăng trưởng tín dụng lên tới 38% trong khi con số này năm 2008 chỉ là 25%, dù vậy tăng trưởng tín dụng năm 2009 vẫn trong xu thế đi lên so với tăng trưởng tín dụng các năm 2002 - 2004. Tăng trưởng tín dụng chững lại trong tháng 1/2010, mức tăng trưởng chỉ đạt 1% trong khi đó tăng trưởng huy động tiền gửi là 0,3%.

Yếu tố chính làm nên tăng trưởng tín dụng năm 2009 chính là chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cùng lúc đó chính phủ đưa ra biện pháp kích thích tài khóa khiến nhu cầu đối với các khoản vay tăng cao, tăng trưởng GDP năm 2009 được hỗ trợ. Phần lớn tiền được cho vay với lãi suất thấp theo chương trình hỗ trợ lãi suất của chính phủ. Tổng giá trị các khoản vay mới năm 2009 đạt 505 nghìn tỷ đồng tương đương 28 tỷ USD, 89% trong số này là khoản vay được hỗ trợ lãi suất.

Những ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất

4 ngân hàng thương mại của nhà nước bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

Nhóm ngân hàng này tiếp tục thống trị hệ thống ngân hàng Việt Nam, cung cấp tới 51% tổng số các khoản vay trong toàn hệ thống tính đến hết tháng 9/2009 (con số này năm 2008 là 52% và năm 2007 là 54%). Nhóm ngân hàng này cung cấp tới 2/3 trong số các khoản vay hỗ trợ lãi suất và vì thế bảo vệ được thị phần.

Hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có mức tăng trưởng tín dụng rất cao trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 2009.

Tiền cho vay đi đâu?

Ở thời điểm cuối tháng 6/2009, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất chiếm đến 22% tổng các khoản vay của toàn hệ thống, thế nhưng những lĩnh vực nhận được tiền phần lớn không thay đổi, điều này cho thấy những khách hàng đã vay tiền đã tiếp tục được cấp vốn.

Tính đến cuối tháng 6/2009, khoản vay dành cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, mỗi lĩnh vực chiếm 26%, thương mại chiếm 18%, xây dựng chiếm 13%.

Tuy nhiên sự liên quan của các ngân hàng đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản sẽ tăng lên bởi những đảm bảo liên quan đến các dự án bất động sản và bởi họ còn nắm giữ bất động sản làm đảm bảo.

Xét đến đối tượng vay tiền, ở thời điểm cuối tháng 6/2009, 15% là các doanh nghiệp nhà nước, 66% là doanh nghiệp tư nhân, 17% là các hộ gia đình...

Hiện tồn tại lo ngại rằng tiền hỗ trợ lãi suất đã chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản, điều này không hề hợp pháp nếu xét theo các quy định của chương trình hỗ trợ lãi suất. Nhóm đối tượng vay tiền cũng có thể lại gửi tiền đó vào ngân hàng với lãi suất cao hơn để ăn chênh lệch.


Tăng trưởng tiền gửi

Tăng trưởng tiền gửi ở mức 27% trong năm 2009 không theo kịp tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay trên vốn huy động trung bình (LDR) ở thời điểm cuối năm 2009 tăng lên mức 105%, tỷ lệ này năm 2008 là 95%.

Nhóm ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất bao gồm Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank). Tỷ lệ này tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức vừa phải là 87%. Tuy nhiên tỷ lệ này đã tăng 15% tính từ cuối năm 2008.

Chất lượng các khoản vay

Tại nhiều hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng quá nóng thông thường là chỉ báo về chất lượng các khoản vay bởi năng lực kiểm soát rủi ro thường yếu đi khi ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động quá nhanh. Không chỉ có vậy, năng lực cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro của ngân hàng không theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Fitch cho rằng trong trung hạn rủi ro chất lượng các khoản vay có thể tăng do tăng trưởng tín dụng cao và khả năng lãi suất tăng. Không chỉ có vậy, các khoản vay ngoại tệ (chiếm 16% tổng các khoản vay trong toàn ngành ở thời điểm cuối tháng 10/2009) vẫn là mối lo lớn do áp lực đồng nội tệ mất giá.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng ở thời điểm cuối năm 2009 ở mức 2,5% (tỷ lệ này năm 2008 là 2,1%), tỷ lệ nợ xấu đối với một số khoản vay đặc biệt ở mức khoảng 6,5%. Việc tỷ lệ nợ xấu tăng cao là yếu tố quan trọng xét đến kỳ vọng của Fitch về khả năng tài chính của bên vay tiền đã tốt hơn trong năm 2009 bởi họ hưởng lợi từ các chương trình kích thích tài khóa

Theo chương trình hỗ trợ này, khách hàng doanh nghiệp hưởng lợi từ chi phí cho vay thấp một khi họ đã đáo hạn các khoản vay của năm 2008. Ảnh hưởng này có thể chỉ đến trong ngắn hạn, môi trường với chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến những người vay tiền gặp nhiều khó khăn. Lãi suất tăng, những người vay tiền sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là nếu lãi suất tăng và chương trình hỗ trợ lãi suất cũng bị rút đi.

Chất lượng các khoản vay nếu tính theo quy chuẩn kế toán Việt Nam vẫn ở mức thấp, không khiến thị trường phải lo lắng về chất lượng các khoản vay. Đối với 6 ngân hàng được Fitch chọn để khảo sát, không phải lo lắng về vấn đề nợ xấu của nhóm ngân hàng này.

Thế nhưng Fitch đã liên tục nhắc lại rằng quan điểm của Fitch đối với các ngân hàng Việt Nam tính theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam bớt khắt khe hơn nhiều nếu so với tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Fitch cho rằng tỷ lệ nợ xấu tính theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam đã không nói hết v những vấn đề thực tế.

Fitch dự báo về lợi nhuận các ngân hàng

Fitch cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, hiện vốn là một thế mạnh, sẽ vẫn vững trong năm 2010 và sau đó.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank hưởng lợi từ chi phí thấp...

Nguồn thu đến từ hoạt động kinh doanh dịch vụ khác (thu nhập từ phí, kinh doanh tiền tệ và vàng) đối với các ngân hàng thuộc nhóm được Fitch xếp hạng hết sức quan trọng tuy nhiên ở mức độ khác nhau. Trong nhóm các ngân hàng được xếp hạng, ACB và Sacombank hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn và dịch vụ khác, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vàng.

Quyết định ngưng hoạt động kinh doanh sàn vàng gần đây sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ACB và Sacombank bởi đây là hai ngân hàng đi đầu trong hoạt động kinh doanh sàn vàng tại Việt Nam.

Các ngân hàng cần thêm vốn

Fitch ước tính nhóm ngân hàng được Fitch khảo sát cần thêm lượng vốn khoảng 30 nghìn tỷ đồng để có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tài sản ở mức 8% ở thời điểm cuối tháng 9/2009. Ngoài ra, cần thêm 35 nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu và các khoản vay đặc biệt. Tổng số 65 nghìn tỷ đồng này tương đương 4% GDP ở thời điểm cuối tháng 9/2009. Sacombank là ngân hàng duy nhất đáp ứng được cả hai tiêu chí này. Nếu để dự phòng cho 100% các khoản vay đặc biệt, nhóm ngân hàng được Fitch khảo sát cần thêm 94 nghìn tỷ đồng tương đương 6% GDP ở thời điểm cuối tháng 9/2009.

Tính toán trên dựa trên số liệu của các ngân hàng ở thời điểm 9 tháng năm 2009 và loại bỏ 18 nghìn tỷ đồng mà chính phủ đã bơm vào các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vào tháng 2/2010.

Xu hướng thắt chặt thanh khoản

Khả năng tái cấp vốn (refinance) của ngân hàng đóng vai trò chủ chốt để đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng năm 2010. Hiện nay ở nội địa đã có thị trường giấy tờ có giá thế nhưng cho đến nay các ngân hàng vẫn chưa tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế.

Nguồn cung tiền vẫn hạn chế từ hoạt động tiền gửi, tuy nhiên ¾ số tiền đều ngắn hạn trong khi đó số còn lại có thời hạn từ 1 đến 5 năm. Sự khác nhau giữa thời hạn của tài sản và nợ được bù lại bởi yêu cầu về dự trữ tiền gửi bắt buộc.

Tháng 1/2010, Ngân hàng Nhà nước cung cấp 15 nghìn tỷ đồng tương đương 833 triệu USD thông qua hoạt động thị trường mở để cải thiện thanh khoản tại một số ngân hàng.

Trong năm 2009, hoạt động của thị trường liên ngân hàng khá ổn định. Tuy nhiên tiền đồng Việt Nam vẫn chịu nhiều áp lực.


Theo Fitch

  Trang chủ       
Các tin khác